VIỆT NAM CẦN HƠN 11,5 TỶ USD MỖI NĂM PHÁT TRIỂN NGUỒN, LƯỚI ĐIỆN
 
VIỆT NAM CẦN HƠN 11,5 TỶ USD MỖI NĂM PHÁT TRIỂN NGUỒN, LƯỚI ĐIỆN

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện tới năm 2030 bình quân 10-11,5 tỷ USD một năm, con số này tăng lên 12-15 tỷ USD chục năm sau đó.

Nội dung này được nêu trong dự thảo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2045 (quy hoạch điện VIII) vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ sau nhiều lần chỉnh sửa, rà soát.

Theo dự thảo, giai đoạn 2021-2030 tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực khoảng 99,32-115,96 tỷ USD, tương đương 10-11,5 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, vốn cho phát triển nguồn điện bình quân mỗi năm 8,57- 10,15 tỷ USD; còn vốn cho lưới điện truyền tải khoảng 1,36-1,44 tỷ USD một năm. 10 năm sau đó, số vốn cần cho đầu tư nguồn, lưới điện tăng lên 12-15,2 tỷ USD mỗi năm.

Một dự án điện gió tại Ninh Thuận
Một dự án điện gió tại Ninh Thuận

 

Ngoài ra, một trong số mục tiêu quan trọng tại dự thảo quy hoạch điện VIII là ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện. Tỷ lệ điện năng lượng tái tạo sẽ đạt 11,9-13,4% toàn hệ thống vào năm 2030 và tăng lên 26,5-28,4% năm 2045.

Điện khí trong nước cũng sẽ được tập trung phát triển nhằm tận dụng hiệu quả năng lượng quốc gia và nâng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo so với các mục tiêu đặt ra trong các chính sách hiện hành.

Tổng công suất nguồn điện sẽ được rà soát trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII để phù hợp với khả năng giải toả công suất lưới và vận hành an toàn hệ thống điện.

Riêng với điện than, dự thảo quy hoạch điện VIII đưa ra kế hoạch dừng xem xét quy hoạch một số dự án nhiệt điện than được phê duyệt trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia nhưng không được địa phương ủng hộ hoặc không đủ điều kiện phát triển.

Bản quy hoạch cũng nhấn mạnh việc tiếp tục khai thác tối đa các nguồn than trong nước để cung cấp nguồn nhiên liệu cho các nhà máy này; đồng thời sử dụng than trộn (giữa than trong nước, nhập khẩu) để cung cấp cho các nhà máy điện than hiện có.

Cơ cấu nguồn điện theo dự thảo quy hoạch điện VIII

Loại năng lượng

Năm 2025

Năm 2030

Năm 2045

 

Công suất (MW)

Công suất (MW)

Công suất (MW)

Thuỷ điện

25.323

26.684-27.898

35.677-41.477

Điện than

29.679

40.899

50.949

Điện khí (gồm LNG)

14.117

27.471-32.271

61.683-88.533

Năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối...)

29.618 - 31.418

31.380-37.030

104.900-137.610

Nhập khẩu điện

3.853 - 4.728

3.936-5.742

8.743-11.042

Tổng các nguồn điện

102.590-105.265

130.371-143.839

261.951-329.610

Dự báo phụ tải quy hoạch điện VIII thực hiện với 3 phương án, tương ứng 3 kịch bản tăng trưởng GDP từng giai đoạn tới năm 2045. Kết quả dự báo phụ tải sau rà soát này không thay đổi so với kết quả đã báo cáo Thủ tướng hồi tháng 3 năm nay.

Về quy mô, ở phương án phụ tải cơ sở, năm 2030 tổng công suất đặt toàn quốc là 130.371 MW, giảm 7.689 MW so với phương án trình Chính phủ hồi tháng 3. Năm 2045, tổng công suất đặt toàn quốc là 261.951 MW, giảm 15.000 MW.

Ở phương án phụ tải cao, năm 2030 tổng công suất toàn quốc giảm 6.000 MW so với phương án trình Chính phủ vào tháng 3, chỉ đạt 143.839 MW. Năm 2045 là 329.610 MW, giảm 14.200 MW

Bộ Công thương kiến nghị lựa chọn kịch bản phụ tải cao làm phương án điều hành, nhằm đảm bảo mức dự phòng nguồn điện hợp lý, đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế tăng trưởng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Về phát triển lưới truyền tải điện, dự thảo quy hoạch điện VIII đưa ra mục tiêu hệ thống truyền tải điện được xây dựng đảm bảo đáp ứng yêu cầu hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định, có khả năng tích hợp tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo cao

Lưới truyền tải 500 kV hoặc cao hơn được xây dựng để truyền tải điện năng từ các trung tâm điện lực lớn về trung tâm phụ tải, liên kết các hệ thống điện miền, khu vực; hạn chế xây dựng thêm đường dây 500 kV liên miền, truyền tải điện đi xa.

Ứng dụng công nghệ trong đầu tư phát triển lưới điện, từng bước hình thành lưới điện truyền tải thông minh. Sau năm 2030 nghiên cứu xây dựng lưới truyền tải điện xoay chiều, một chiều với điện áp cao hơn 500 kV, thiết bị truyền tải điện linh hoạt...

Khối lượng đầu tư lưới truyền tải điện sau rà soát được cho là "giảm đi nhiều" so với phương án Bộ Công Thương đưa ra hồi tháng 3.

Cũng theo Bộ Công Thương, tính toán cơ cấu nguồn điện toàn quốc và cân đối vùng miền, quy hoạch điện VIII dự kiến dự án điện LNG Long Sơn giai đoạn 1 (1.500 MW) vận hành năm 2031-2035; Hải Lăng (1.500 MW) vận hành 2036-2040 và có thể đẩy sớm đồng bộ với tiến độ mỏ khí Kèn Bầu. Các dự án này trước đây đã được Thủ tướng chấp thuận bổ sung quy hoạch với tiến độ trong giai đoạn 2026-2030.

Dự án LNG Chân Mây, quy hoạch điện VIII dự kiến đưa vào giai đoạn 2041-2045 để thực hiện khi không phát triển được thêm các nhà máy điện khí miền Bắc. Tuy nhiên, tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị đưa 800 MW dự án này vào vận hành 2026-2030, do đó Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo về tiến độ các dự án này.

 

Anh Minh

05/11/2024 10:12:17
Tìm kiếm
Tin nóng